Tin tức

Gay cấn cuộc đua làm ông chủ khách sạn Deawoo
16h - 22/03/2016

Công ty TNHH MTV Hanel vừa công bố phương án cổ phần hóa, theo đó có hai nhà đầu tư chiến lược đang muốn sở hữu tới 61% vốn của Hanel. Với chủ trương “thâu tóm” Hanel bằng con đường vòng, hai nhà đầu tư này có thể “đặt chân” vào doanh nghiệp đang là chủ sở hữu khu đất vàng rộng 3ha, cũng là nơi đặt tổ hợp TTTM Daeha (360 Kim Mã, Hà Nội).

Tổ hợp TTTM Daeha là khu phức hợp bao gồm khách sạn Daewoo Hanoi, khu văn phòng Daeha Business Center và khu căn hộ cho thuê Daeha Serviced Apartment. Nằm ngay cạnh công viên Thủ Lệ, gần trung tâm thủ đô, công trình này được cho là có vị trí rất đắc địa với tổng diện tích lên tới 30.406,5m2, do đó bất động sản này ngày càng đắt giá trong mắt nhà đầu tư.

Đối tác “mua chịu” cổ phần?

Hiện tại tổ hợp TTTM Daeha do Công ty CP Daeha do liên doanh phía Hàn Quốc – Tập đoàn Daewoo Engineering & Construction (Daewoo E&C) nắm quyền sở hữu 70%, còn lại phía Việt Nam- do Hanel đại diện- nắm 30%.

Được biết trước đây, để hình thành nên tổ hợp này, Nhà nước đã quyết định giao khu đất có diện tích hơn 3ha (đất thuê dài hạn 49 năm tính từ ngày 2/7/1993) cho Hanel như một món “hồi môn” để góp với đối tác Daewoo - lo vốn đầu tư xây dựng.

Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, trước áp lực tài chính khủng hoảng, Daewoo E&C đã quyết định thoái vốn và Hanel đã giành được quyền mua lại 70% vốn này trong cuộc đua khá căng thẳng. Doanh nghiệp nhà nước khá kín tiếng khi không tiết lộ số tiền đã bỏ ra để thâu tóm số cổ phần còn lại trong liên doanh Daeha, nhưng một số đồn đoán cho rằng giá trị thương vụ này vào khoảng 70 triệu USD.

Sau khi nắm giữ 70% cổ phần Daeha, Hanel lập tức chuyển nhượng lại cho 2 đối tác khác, là Công ty CP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành và Công ty CP Đầu tư Hợp Thành 1.

Điều đáng nói ở đây là, hai cổ đông mới này lại chây ỳ không chịu thanh toán đầy đủ tiền mua cổ phần cho Hanel. Cụ thể, đến cuối năm 2012, Hanel vẫn còn khoản phải thu ngắn hạn là 180,8 tỷ đồng tại Công ty khoáng sản Hợp Thành và 330,5 tỷ đồng tại công ty Đầu tư Hợp Thành 1. Đồng thời Hanel cũng được nhận thêm 104,3 tỷ đồng (khoảng 5 triệu USD) tiền hỗ trợ giá trị quyền lợi, lợi thế chuyển giao không bồi hoàn…

Thời gian gần đây, cuộc đua thâu tóm khu tổ hợp Daeha lại được hâm “nóng” khi Hanel đề xuất bán tới 61% cổ phần Hanel (tổng giá trị vào khoảng 1.174,8 tỷ đồng) cho 2 nhà đầu tư chiến lược gồm Công ty CP Công nghệ Tiến Việt đăng kí mua 36% vốn Hanel (tương ứng 42 triệu đơn vị) và Công ty Sebrina Holdings đăng ký mua 25% vốn (tương ứng 48,15 triệu đơn vị).

Dự tính, hai nhà đầu tư trên phải bỏ số tiền cả nghìn tỷ đồng để nắm quyền chi phối Hanel, thông qua đây sẽ gián tiếp sở hữu vốn tại Daeha. Xem ra con đường vòng này thuận lợi và cũng ít tốn kém hơn so với việc thâu tóm trực tiếp. Vì hơn 9 tháng trước đó, Công ty CP Bông Sen cũng từng tuyên bố dự chi khoảng 3.650 tỷ đồng để được nắm cổ phần chi phối tại Daeha. Tuy nhiên sau đó, Bông Sen chỉ mua được 34,8% cổ phần Daeha và đến nay vẫn chưa công bố sở hữu mới.

Số tiền dự chi 3.650 tỷ đồng của Bông Sen cao gấp ba lần nguồn vốn ghi nhận trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp này hồi cuối năm 2014 khiến dư luận dấy lên nghi vấn Bông Sen có nhà đầu tư “hậu thuẫn” phía sau để quyết mua được Daeha. Tuy nhiên cũng xuất hiện ý kiến cho rằng công ty này chỉ “nổ” như chiêu trò đánh bóng tên tuổi trước động thái phát hành cổ phiếu tăng vốn vào tháng 7/2015 tới…

Bỏ ngỏ tiềm lực nhà đầu tư?

Tại thời điểm cổ phần hóa, Công ty TMHH MTV Hanel có quy mô vốn điều lệ là 1.925,4 tỷ đồng. Còn theo sổ sách kế toán thì giá trị doanh nghiệp Hanel là 2.631,8 tỷ đồng, sau đó được tính toán lại tăng lên 3.064,4 tỷ đồng, trong đó phần vốn nhà nước chiếm 1.925,4 tỷ đồng.

Trước sức ép tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, nâng hiệu quả kinh doanh, Nhà nước tiến hành thoái vốn khỏi Hanel để tạo cơ hội thu hút thêm các nhà đầu tư có tiềm lực mạnh, hỗ trợ công ty phát triển.

Theo đó, cơ cấu cổ đông của Hanel gồm: Nhà nước nắm 29%, bán đấu giá công khai 9,94%, bán cho nhà đầu tư chiến lược 61%, còn lại bán ưu đãi cho người lao động.

Năm ngoái, vào ngày 29/6, UBND TP.Hà Nội cũng đã đưa ra 4 tiêu chí để lựa chọn được nhà đầu tư chiến lược cho Hanel, đơn cử: có tiềm lực vốn để mua cổ phần và hỗ trợ nâng cao năng lực tài chính cho công ty; có ngành nghề kinh doanh phù hợp, hỗ trợ Hanel phát triển, ưu tiên lĩnh vực công nghệ, thương mại, hạ tầng, bất động sản và tài chính… Các nhà đầu tư phải cam kết gắn bó lâu dài với Hanel và hạn chế không chuyển nhượng cổ phần ít nhất 5 năm.

Với những tiêu chí chung như trên, rất khó đưa ra đánh giá về hai nhà đầu tư chiến lược mà Hanel “gợi ý” bán tới 61% cổ phần.

Đơn cử trường hợp Công ty CP Công nghệ Tiến Việt (mua 36% vốn Hanel) là đơn vị chỉ mới thành lập vào ngày 16/7/2015, trụ sở tại quận 7, Tp.HCM, người đại diện theo pháp luật là bà Lê Thị Anh Thư. Được biết, công ty này kinh doanh ở lĩnh vực máy tính, thiết bị ngoại vi, xây dựng nhà, tư vấn, môi giới, đấu giá quyền sử dụng đất, đấu giá bất động sản…

Hay Công ty Sebrina Holdings (Singapore)- mua 25% vốn là đơn vị kinh doanh ở lĩnh vực năng lượng và được giới thiệu là nhà đầu tư chiến lược giúp Hanel phát triển các dự án hạ tầng, công nghệ và tài chính tại Việt Nam.

Sự có mặt của hai tên tuổi khá lạ này cũng đặt ra nghi vấn về nguồn tiền cỡ nghìn tỷ đồng dùng để mua 61% cổ phần Hanel lấy từ đâu? Thực chất là của đại gia bí ẩn nào?

(Theo Thời báo kinh doanh)

Đăng ký
nhận tin bất động sản

Home-right-akaridualkey
Hỗ trợ skype
0969 36 8855
Chat với Themaxreal