Dự án công viên Sài Gòn Safari đắp chiếu hơn 12 năm ( Ảnh: Internet)
Đã hơn 12 năm trôi qua dự án công viên từng được kỳ vọng lớn bậc nhất Đông Nam Á này vẫn đang trong tình trạng "đắp chiếu" khiến cuộc sống của người dân nằm trong dự án lâm vào cảnh khó khăn, khiếu kiện kéo dài
Ngày 10-5, ứng cử viên ĐBQH, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng cùng các ứng cử viên khác đã có cuộc tiếp xúc với cử tri ba xã Phú Mỹ Hưng, An Nhơn Tây, An Phú (Củ Chi).
Hàng loạt hệ luỵ đã được người dân "kêu" với Bí thư Thành uỷ như khu vực nằm trong quy hoạch khiến người dân không thể xây dựng, xin cấp sổ đỏ hay tách thửa. Trong khi đó, các dự án điển hình như khu đô thị Tây Bắc, Sài Gòn Safari đắp chiếu hơn chục năm trời.
“Riêng dự án Sài Gòn Safari thì chậm nhất cuối năm nay phải triển khai đầu tư xây dựng. Đây sẽ là điểm du lịch, điểm nhấn thu hút du khách đến TP.HCM. Việc triển khai dự án cũng để giải quyết hết các bức xúc cho người dân nhiều năm nay”, tờ Pháp Luật TPHCM dẫn lời Bí thư Đinh La Thăng.
Được biết, dự án Công viên Saigon Safari, do Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn là chủ đầu tư, được cấp phép đầu tư từ 2004, với tổng mức đầu tư 500 triệu USD, là công viên khu du lịch sinh thái lớn nhất Việt Nam, tầm cỡ khu vực Đông Nam Á. Dự án được quy hoạch xây dựng tại 2 xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, TP HCM, có tổng diện tích đất 485ha.
Dự án thuộc cụm du lịch văn hóa lịch sử Củ Chi, cách trung tâm thành phố khoảng 50 km. Với các khu chức năng: Khu thả thú bán hoang dã, dự kiến thả thú đặc trưng các khu vực trên thế giới; Khu trưng bày thú mở bao gồm hệ thống chuồng trại dạng mở và cảnh quan, trưng bày các loài thú đặc trưng của các châu lục trên thế giới...
Năm 2004, chính quyền địa phương đã bắt đầu việc bồi thường, thu hồi đất của hơn 700 hộ dân nhằm phục vụ việc xây dựng dự án. Đến năm 2007, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đã đạt 96%.
Từ đó đến nay dù chỉ còn 4% nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Số tiền đền bù mà chính quyền địa phương đã chi trả bồi thường 684/705 hộ, với số tiền 560/619 tỷ đồng. Năm 2013, do dự án quá chậm tiến độ nên công ty tư vấn dự án Bernard Harrison & Friends Ltd (Singapore) đã xin rút lui.
Đã hơn 12 năm trôi qua dự án công viên từng được kỳ vọng lớn bậc nhất Đông Nam Á này vẫn đang trong tình trạng “đắp chiếu” khiến cuộc sống của người dân nằm trong dự án lâm vào cảnh khó khăn, khiếu kiện kéo dài.
Mới đây dự án này được Tổng công ty du lịch Sài Gòn đã cùng Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn và Tổng công ty Bến Thành TNHH MTV ký biên bản thành lập Công ty cổ phần Sài Gòn Safari để thực hiện dự án với vốn điều lệ 300 tỉ đồng cho một số hạng mục giai đoạn 1 của dự án.
Trong đó, Saigontourist góp 40% và hai đơn vị còn lại mỗi đơn vị góp 30% vốn. Dự án được TP thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, đầu tư các hạng mục bằng ngân sách nhà nước với tổng chi phí đến nay gần 600 tỉ đồng nên việc lựa chọn nhà đầu tư tiếp tục tham gia đầu tư sắp tới dự kiến sẽ thực hiện theo quy định về đấu thầu hoặc đấu giá khu đất.
Đầu tháng 3 vừa qua, vừa qua, ông Đinh La Thăng đã chỉ đạo lãnh đạo TP phải có mọi biện pháp xử lý quyết liệt các dự án còn treo gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Đối với dự án 500 triệu USD Safari Củ Chi, ông Thăng ra “tối hậu thư" phải đạt được những tiến triển nhất định trong 6 tháng tới. Chính quyền TP cần rà soát lại quỹ đất trên địa bàn, chỗ nào sử dụng không hiệu quả, số tiền thu được thấp thì thu hồi lại để chuyển đổi công năng.
Lan Nhi