Chuyện kể rằng, ngày xưa có một ông lão kì lạ: tuy không rõ danh tính, lang thang khắp nơi nhưng lại có phong thái ung dung, khoan thai như một vị hiền triết. Ông lão vừa đi vừa rao với mọi người rằng mình có một bài học đáng giá nghìn vàng. Người đời chẳng tin, cho là ông bị điên.
Thế rồi một ngày, lời rao đến tai nhà vua. Vua liền cho người theo dõi ông lão kì lạ. Cận thần về bẩm báo người này có đời sống chuẩn mực, giống như chẳng phải người thường, mà là người siêu phàm, thoát tục. Nghe thế, nhà vua liền giả dạng thường dân, đến gặp ông lão hỏi về bài học đáng giá nghìn vàng của ông.
Nhà vua hỏi: “Đó là bài học gì mà có thể đáng giá đến nghìn vàng?”. Ông lão đáp: “Đây là bài học giúp người ta thoát khỏi mọi đau khổ của cuộc đời, vượt qua những lầm lỗi mà vươn tới đỉnh vinh quang…” Nhà vua quay về, trong lòng vừa hoài nghi vừa day dứt trước sức hấp dẫn bí ẩn về những điều tuyệt vời mà bài học kia đem lại.
Suy nghĩ mãi, nhà vua quyết định mời ông lão vào hoàng cung. Vua nói: “Hoặc bị lừa mất một nghìn lượng vàng, hoặc thực sự có được một bài học vô giá. Ta chấp nhận” – rồi ra lệnh mở ngân khố lấy đủ một nghìn lượng vàng để trước mặt ông lão.
Nhận đủ vàng, ông lão cung kính dâng lên vua một tấm vuông lụa, trong viết hơn 10 chữ ngắn gọn: “Phàm làm việc gì, suy nghĩ đến hậu quả của nó” – rồi rời khỏi kinh thành.
Nhà vua nghĩ mình đã bị lừa nên rất tức giận, trong đầu luôn nghĩ đến hơn 10 chữ ấy. Thế nhưng, sau đó vua bắt đầu thay đổi từng ngày: trầm tĩnh hơn, khôn ngoan hơn, sáng suốt hơn, đoán định được mọi việc sâu sát hơn. Đất nước nhờ thế ngày càng thịnh vượng, thần dân ngày càng mừng vui với cuộc sống an lành.
“Phàm làm việc gì, suy nghĩ đến hậu quả của nó” – câu nói cứ ám ảnh trong đầu nhà vua khi nghĩ đến câu chuyện nghìn lượng vàng với ông lão nọ.
Chính nhà vua cũng đã không nhận ra sự thay đổi của mình. Phàm là con người, khi trẻ trung, khờ dại, “ngựa non háu đá”, đều muốn và luôn làm mọi việc theo ý thích. Những suy nghĩ bồng bột, nông cạn dẫn đến những hành động bột phát, không so đo tính toán. Nhưng khi nhà vua nghĩ mình bị lừa mất vàng, coi như đã nếm trải “hậu quả” việc mình làm ra, nên câu nói ấy cứ như in trong đầu.
Con người trước cám dỗ cũng như lạc vào mê cung không lối ra. Ảnh: minh họa
Câu nói ngắn gọn, dễ hiểu, nhưng chỉ cần cá nhân nào biết cách suy ngẫm, chiêm nghiệm trước khi hành động, sẽ có thể chỉnh đốn những gì mình làm theo hướng tích cực hơn. Thay vì để những cám dỗ, ý thích, tham vọng làm mờ mắt, suy nghĩ đến hậu quả trước khi làm sẽ giúp con người lấy lại bình tĩnh, có cái nhìn sáng suốt với mọi việc.
Vì vậy, trước khi làm việc gì, bạn hãy nhớ đến câu nói này. Khi nóng giận, gấp gáp, tự ái,... mà định làm điều gì đó, hãy nghĩ đến hậu quả trước đã. Việc bạn làm có thể gây ra những gì, làm tổn hại đến những gì? Nếu đã hiểu mà vẫn sẵn sàng chấp nhận, lúc ấy có làm cũng chưa muộn.
Không ai có thể chắc chắn bản thân tránh được khỏi những cám dỗ, u mê suốt 24 giờ trong ngày. Biết hại sức khỏe nhưng vẫn ăn, biết hại người khác nhưng vẫn làm, biết không cần thiết nhưng vẫn mua... Những lúc ấy, câu nói trên có thể giống như hồi chuông cảnh tỉnh, cho bạn một lần nữa suy xét về hành động của mình. Nghĩ đến hậu quả, con người ta sẽ thấy đằng sau trả thù là bất hạnh, đằng sau chiến thắng là kết thúc, đằng sau tổn thương là bị tổn thương,… còn không nghĩ đến hậu quả, ta chỉ thấy đó là hạnh phúc, là tự hào, sung sướng và kiêu hãnh.
“Phàm làm việc gì, suy nghĩ đến hiệu quả của nó” – câu nói nhà vua chưa hiểu được giá trị, nhưng dẫu sao cũng đã làm theo được, nên có lẽ cái giá nghìn vàng vẫn là quá rẻ.